Dị ứng mỹ phẩm hay tình trạng da kích ứng mỹ phẩm vốn rất thường gặp ở một số người có cơ địa dị ứng. Tùy vào mỗi người có thể xảy ra tình trạng dị ứng mỹ phẩm nhẹ hoặc nghiêm trọng.
Các loại mỹ phẩm trang điểm như (mặt, mắt), kem dưỡng da, nước hoa, v.v… có thể gây dị ứng ở bất kể lứa tuổi nào. Dị ứng là trạng thái hệ miễn dịch phản ứng vượt quá so với những chất có thể không độc hại. Chất gây dị ứng có thể kích hoạt hệ miễn dịch giải phóng kháng thể và gây ra các triệu chứng dị ứng. Dị ứng mỹ phẩm thường có biểu hiện như ngứa, phát ban đỏ trên da hoặc viêm da tiếp xúc.
Các chất gây dị ứng mỹ phẩm thường gặp
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tổng hợp danh sách các chất gây dị ứng mỹ phẩm phổ biến và phân thành 5 nhóm chính, đó là cao su tự nhiên (latex), nước hoa (hóa chất tạo mùi thơm), chất bảo quản, thuốc nhuộm và hóa chất tạo màu, kim loại (nickel, vàng).
Bị dị ứng mỹ phẩm nên làm gì?
Về các chất gây dị ứng mỹ phẩm, cách tốt nhất để ngăn ngừa bị dị ứng là cần nhận biết bản thân nhạy cảm với hóa chất nào. Để hạn chế tiếp xúc với chất dị ứng, việc đầu tiên cần làm là đọc kĩ danh sách thành phần sản phẩm, sau đó cần loại bỏ những mỹ phẩm này.
Tại Hoa Kỳ vẫn chưa có tiêu chuẩn hoặc định nghĩa về việc sử dụng các thuật ngữ như “sản phẩm không gây dị ứng”, “sản phẩm không mùi” hoặc “sản phẩm dành cho da nhạy cảm”. Tuy nhiên, một số thành phần nhất định có thể được liệt kê chung là “hương thơm” hoặc “nước hoa” mà không xác định các thành phần cụ thể.
Nếu xem bảng thành phần sản phẩm và có thắc mắc liên quan đến các chất gây dị ứng mỹ phẩm, người tiêu dùng có thể liên hệ với nhà sản xuất được in trên nhãn sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần phải kiểm tra thông tin được in trên nhãn sản phẩm và làm theo hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Đọc thông tin sản phẩm là rất quan trọng, vì một số sản phẩm có chứa các thành phần có thể gây kích ứng, cho dù bạn có bị dị ứng hay không. Ví dụ, nhà sản xuất một số loại thuốc nhuộm tóc, hướng dẫn người dùng thử nghiệm một lượng nhỏ sản phẩm trước để xem có nhạy cảm với các thành phần trong sản phẩm hay không trước khi dùng nhiều hơn.
Dị ứng mỹ phẩm có biểu hiện như thế nào?
Tùy mỗi người, phản ứng dị ứng mỹ phẩm sẽ xảy ra với mức độ khác nhau, từ nhẹ như ngứa, phát ban, bong tróc da, đến nặng như sưng phù mặt, vùng mắt, mũi hoặc miệng bị kích ứng, thở khò khè và thậm chí bị sốc phản vệ.
Trong đó, sốc phản vệ là tình trạng dị ứng rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh với những biểu hiện như lờ đờ, choáng, khó thở, buồn nôn, nôn, không thể nuốt được, đau tức vùng ngực, mạch đập nhanh và yếu. Khi bị sốc phản vệ với những dấu hiệu này, hãy đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
Dị ứng mỹ phẩm không chỉ gây viêm da tiếp xúc mà còn có thể ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp khi hít phải các thành phần tạo mùi thơm, đặc biệt ở những người mắc bệnh viêm mũi dị ứng, hen suyễn hoặc nhiễm virus gây nhiễm trùng đường hô hấp.
Với những trường hợp bị nhạy cảm với hóa chất tạo mùi, hoặc hương thơm có trong nước hoa, mỹ phẩm, thì dị ứng mỹ phẩm cũng có thể xảy ra khi hít phải với các triệu chứng như ho, nghẹt thở, thở khò khè, nghẹt mũi hoặc sổ mũi, đau đầu, đau tức vùng ngực. Khi gặp phải các triệu chứng nghi ngờ bị dị ứng mỹ phẩm, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe, vì mức độ nhạy cảm với chất gây dị ứng có thể tiến triển với mức độ nặng nếu để trong thời gian dài mà không có biện pháp phòng ngừa.
Các xét nghiệm kiểm tra dị ứng mỹ phẩm
Thực tế không cần phải đợi đến khi xuất hiện triệu chứng mới biết có bị dị ứng mỹ phẩm hay không. Người tiêu dùng có thể thử và tìm hiểu xem bản thân bị dị ứng với chất gì bằng một số xét nghiệm kiểm tra. Biết chính xác chất gây dị ứng sẽ giúp tránh tiếp xúc với chất đó.
Dưới đây là một số xét nghiệm cho phép kiểm tra cơ thể có bị dị ứng với mỹ phẩm không:
- Patch Test (Kiểm tra áp bì): Xét nghiệm này thường được sử dụng để chẩn đoán viêm da, hoặc kích ứng và sưng da. Thử nghiệm này bao gồm việc đặt một lượng nhỏ chất gây dị ứng lên da và đắp trong 2 ngày. Sau khoảng 3 – 4 ngày, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra xem có sự xuất hiện của dị ứng không, như có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ. Dựa trên các triệu chứng hiện tại, bác sĩ có thể xác định, bạn có bị dị ứng mỹ phẩm không. Xét nghiệm này có thể thực hiện 2 – 3 lần để khẳng định kết quả. Tuy nhiên, những người có da nhạy cảm, xét nghiệm này có thể không đủ đặc hiệu để giúp xác định chất gây dị ứng và có thể cần phải sử dụng các phương pháp khác.
- Prick Test (Kiểm tra lẩy da): Loại xét nghiệm này bao gồm việc đặt một chất gây dị ứng lên da và dùng kim chích vào da ở cùng vị trí đó. Các khu vực bị chích (thường là trên cẳng tay) sẽ được theo dõi. Nếu bị dị ứng mỹ phẩm, người bệnh có thể phát triển xuất hiện các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa hoặc sưng tấy.
- Intradermal Test (Kiểm tra trong da): Xét nghiệm này tương tự như kiểm tra lẩy da, tuy nhiên, điểm khác biệt là chất gây dị ứng được tiêm vào lớp trên cùng của da và theo dõi dấu hiệu phản ứng dị ứng có thể xảy ra như nổi mẩn đỏ, sưng, ngứa, v.v…
- Allergy Blood Test (Kiểm tra máu dị ứng): Xét nghiệm này bao gồm việc lấy mẫu máu từ bệnh nhân và thêm chất gây dị ứng vào đó để xem liệu kháng thể có được tạo ra hay không. Nếu kháng thể được tạo ra để đáp ứng với chất gây dị ứng, bệnh nhân có khả năng bị dị ứng mỹ phẩm với chất có trong đó.
Có nhiều hóa chất gây dị ứng có trong các loại mỹ phẩm trang điểm và chăm sóc cá nhân, với các triệu chứng dị ứng có thể kể đến như nổi mẩn đỏ, phát ban, sưng tấy, viêm da, … Để tránh bị dị ứng mỹ phẩm, người tiêu dùng nên đọc kỹ danh sách thành phần và hạn chế tiếp xúc với chất có thể gây dị ứng.